WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
Kính thưa qúy liệt vị,
Xin được thứ lỗi, tôi đã mở đầu bằng mấy câu Anh Ngữ để có đôi lời cám ơn những người bạn Mỹ. Tôi đã nói: “Xin cám ơn sự hiện diện và giúp đỡ của qúi vị. Chúng tôi, những người Mỹ gốc Việt, đã mất những người thân yêu, những bạn bè, những dòng sông, và mất cả quê hương. Nhưng chúng tôi may mắn, đã có cơ-hội để làm lại cuộc đời nơi đây. Nhân dị này, chúng tôi xin chính thức cám ơn qúi vị, tất cả qúi vị, toàn thể nhân dân Hoa-Kỳ, những người đã giúp chúng tôi cơ-hội qúy báu, để lập lại cuộc đời, và nuôi nấng con cái theo ước nguyện của mình. Xin Ơn Trên phù hộ qúi vị. Xin Ơn Trên phù hộ Hợp Chủng Quốc Hoa-Kỳ”.
Kính thưa toàn thể qúy vị, mấy chục năm đã trôi qua kể từ ngày TT Dương Văn Minh đầu hàng. Chúng ta đã mất mát qúa nhiều và phải bỏ nước ra đi. Nhưng chúng ta may mắn, có cơ-hội làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Chúng ta đã gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp cho cho gia-đình, cho con cháu của chúng ta. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã gặt hái được những thành qủa nào cho quê nước đồng bào, từ ngàn dặm cách xa?. Không biết câu trả lời của qúi vị như thế nào. Riêng tôi, tôi cảm thấy không ổn mỗi khi nghĩ đến câu hỏi này.
Trước đây tôi là lính, không giữ đuợc nhà đuợc đất cho dân. Tôi là người dân-cử, không giữ được nước. Tháng Tư năm 1975, thì ngày 29 đã bỏ chạy ra khơi, để lại hơn 17 triệu đồng bào sống trong sợ hãi kinh hoàng và để lại các chiến hữu của mình phải sống kiếp đoạ đầy trong các trại tù cải tạo. Mấy chục năm qua, như bao nhiêu người khác, tôi đã cố gắng rất nhiều với hy vọng góp phần mang lại phúc lợi cho quê nuớc và đồng bào. Nhưng kết qủa thì chưa mấy rõ ràng, mà đôi khi còn bị hiểu lầm.
Đó là cái sự thực không mấy vẻ vang gì. Nhưng tại sao, hôm nay, ở đây, cũng như nhiều nơi khác, anh chị em cựu chiến binh QL/VNCH, như tôi, vẫn còn mặc quân-phục. Xin thưa, có thể vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, chúng tôi muốn tự nhắc nhở cho chính chúng tôi rằng, dù trong hoàn cảnh nào, dù thành công hay thất bại, cũng phải cố gắng chu-toàn cái trách nhiệm chưa hoàn tất của chúng tôi, của chúng ta. Trách nhiệm đó là “Tranh đấu cho phúc lợi của quê nước đồng bào”. Lẽ thứ hai, với bộ quân phục, chúng tôi dễ nhắc nhở với nhau rằng, dù chiến-lược, chiến-thuật, và kế hoạch có khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn có chung một chiến tuyến. Sự tương kính, yêu thương, nâng đỡ và chấp nhận những khác biệt của nhau, là những yếu tố cần thiết của một tập thể đa dạng, nhưng có chung một lý tưởng.
Mỗi người chúng tôi, tùy hoàn cảnh và khả năng, tự tìm cho mình một con đường thích hợp để chu toàn trách nhiệm. Trong hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”, mỗi người chúng tôi phải theo đuổi một chiến lược riêng, một phương thức riêng, để đạt mục tiêu chung. Ví dụ như hôm nay, từ Tiểu Bang Louisiana, anh chị em hội Cựu SVSQ Thủ-Đức chúng tôi nói riêng, đồng bào Louisiana nói chung, đã có nhiều con đường để đến đây, và bằng nhiều loại xe khác nhau. Sự họp mặt là quan trọng, còn việc đi theo đưòng Xuyên Bang I-10 hay Highway 90 là tùy ý thích. Nếu cùng đi đường I-10, thì sự rẽ vào Biloxi là quan trọng. Còn việc lấy Exit 38, Exit 41, hay Exit 44 là thứ yếu. Cả ba exits đều đưa chúng tôi đến địa-điểm này, dù thời gian đến có khác nhau chút đỉnh.
Kính thưa qúy vị, niềm ưu tư khắc khoải, hôm qua hôm nay và ngày mai, vẫn là, “Chúng ta đã làm được gì để góp tay đem lại phúc lợi cho quê nước đồng bào?”. Phần lớn những người ở tuổi tôi, “Tóc ta hoa bạc, tuyết mờ mờ xương”, thì chẳng còn bao nhiêu năm nữa, để vẫn tiếp tục đi theo con đường không mấy thành công cũ… mà lại mong gặt hái đuợc những thành qủa mới. Đã đến lúc chúng ta cần kiểm điểm lại công việc một cách toàn diện, để hoạch định những chiến lược mới, thì mới mong xây dựng được phúc lợi cho quê nước đồng bào, trước hay cả sau khi chúng ta nhắm mắt lìa đời. Hơn nữa, trong nước cũng đã thay đổi nhiều. Ví dụ: Theo thống kê của cơ-quan Thống Kê Internet Thế Giới (Internet World Statestis), thì số người ở Việt-Nam dùng Internet đã lên đến 41,012,186 người (43.9% dân số). Như thế, kể từ năm 2000 đến nay, đã có thêm 40,812,186 người có internet tại Việt-Nam (xin đọc thêm nơi Ghi chú 1).
Khoàng 30 năm qua, chúng tôi đã thăm dò và thử thách một vài chiến thuật đấu tranh mới, thực tế và có hiệu qủa hơn. Hôm nay, chúng tôi vẫn không giám đưa ra như một đề nghị. Chỉ xin đưa ra 5 điều suy tư, căn bản, vắn gọn. Mong có dịp được đi sâu vào từng vấn đề hơn.
Điều Suy-tư 1: Chính-quyền CSVN đang lệ thuộc nhiều vào Trung-quốc. Họ không giám chống đối sự xâm lăng dưới nhiều hình thức tinh vi của Trung Quốc. Với đà này, chẳng bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ chiếm lấn VN trên cả mặt kinh tế, tài chánh, đất đai… và quyền lực. Chúng ta có nên tiếp tay với Chính Phủ của chúng ta (Mỹ), trong việc giúp VN ngả về phía chúng ta nhiều hơn không? Và… nếu họ đã, đang, ngả về phía chúng ta, thì chúng ta nên đối sử với họ như thế nào? Nếu Việt Nam không có một điểm tựa vững mạnh nào trên trái đất này, thì làm sao chống Tầu để bảo vệ lãnh thổ được? Chúng ta có nên khai triển khéo léo và rộng rãi câu ca dao mới, “Theo Mỹ chỉ mất độc đảng. Theo Tầu thì mất cả Nước” không?.
Điều Suy-tư 2: Theo định-luật chung, quốc gia thì trường tồn mà chính-quyền, dù điên cuồng như Đức-Quốc-Xã, hay hung tàn như CS Nga, thì cũng sẽ qua đi. Hiện nay, chúng ta không có cái thế để lật đổ Chính-quyền VN bằng quân sự. Chúng ta có nên góp tay thay đổi chế-độ đó tận gốc rễ, qua các bình diện quan trọng khác, như giáo-dục (trồng người), ngoại-giao, kinh tế, truyền thông, văn-hoá, tôn-giao hay không? Nếu mỗi người chúng ta, giúp được một người Việt nào đó, có thêm một chữ trong đầu, hay thêm một hạt cơm trong bữa ăn thanh đạm, thì đất nước có được nhờ không?
Điều Suy-tư 3: Việc chống cộng và tranh đấu lật đổ Chính-quyền VN như chúng ta đã làm mấy chục năm qua, không có hiệu qủa mấy. Chúng ta có nên thay đổi, để họ cùng đổi thay, theo chiều hướng chung, đáp ứng được ước nguyện của toàn dân và toàn cầu không?
Điều Suy-tư 4: Việt-Nam có 95 triệu dân. Trong số đó, khoảng 15 triệu người của Miền Nam cũ, khoảng 15 triệu người của Miền Bắc cũ, và khoảng 65 triệu người sinh ra sau năm 1975. Đảng Công-Sản thì chỉ có khoảng ấy triệu trên sổ sách đăng ký. Chúng ta có nên quan niệm rằng, tất cả dân Việt, đang ở Việt-Nam, là cộng-sản, là kẻ thù, của chúng ta không? Chúng ta có nên ngăn cản con em của chúng ta giao tiếp với họ, làm việc với họ, giúp đỡ họ, kết thân với họ, để thay đổi họ hay không?
Điều Suy-tư 5: Hiện có hai khối sinh-viên du-học từ VN. Chúng ta có nên có kế hoạch “trồng người”, giúp đỡ và thương yêu du sinh, cả hai khối, như con cháu của chúng ta không?
Khối Thứ Nhất, có hai nhóm. Nhóm A, đi học bằng tiền thuế của chúng ta (trực tiếp hay gián tiếp qua học bổng của các đại-học hay chính phủ Mỹ). Du-sinh nhóm này có thể được tuyển chọn gián tiếp hay trực tiếp bởi chính quyền VN (và có thể số tuổi đảng hay chức vụ trong đảng của cha mẹ du-sinh nhóm này, cũng là yếu tố để du-sinh được chọn đi du học). Nhóm B, là con em của những người quyền qúy, giầu sang, du học tự túc tự do. Du-sinh của cả hai nhóm trong khối thứ nhất này, không giám hay không cần mấy đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Khối Thứ Hai, là những du sinh tự túc tự do. Phần lớn nghèo vì có liên hệ đến VNCH, nhưng hiếu học, và đa số do người Mỹ gốc Việt bảo-trợ. Trong 20 năm đầu, khối thứ hai này nhỏ hơn khối thứ nhất. Nhưng sau đó (để cân bằng được lực lượng trong tương lai) du sinh khối thứ hai này càng ngày càng nhiều hơn.
Dù là du-sinh khối nào chăng nữa, họ cũng là những mầm non của đất nước, họ cũng sẽ học ở Mỹ ít nhất từ 4 đến 5 năm để lấy bằng cử-nhân, hay từ 7 đến 8 năm để lấy bằng tiến-sỹ. Sau đó khoảng 30% ở lại Mỹ và khoảng 70% trở về VN.
Thì giờ có hạn, với sự bộc phát, tôi chỉ xin chia sẻ chút tâm tình chân thành và đưa ra ít điều suy tư vắn gọn. Mong có dịp được thảo luận kỹ lưỡng hơn, từng vấn đề, với qúi vị.
Tục ngữ Mỹ có câu, “Không thể làm theo phương thức cũ mà lại mong gặt hái những thành qủa mới”. Đất nước là của chung, không phải của riêng ai, hay đảng phái nào. Xin cùng nhau tìm một hướng đi mới, thực tế và hữu hiệu hơn, để góp phần mang lại phúc lợi cho quê nước đồng bào.
Xin Ơn Trên phù hộ tất cả chúng ta. Xin Ơn Trên phù hộ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Chu Văn Hùng
Cựu sinh viên Khóa 12 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức
(Đây là bài trình bầy trong một ngày lễ 30 Tháng 4 tại Biloxi, Mississippi)
-------------
Ghi chú: Tính đến ngày 30/6/2016, VN có 95,260,021 người. Số người dùng Internet là 49,063,762 (51% dân số). Năm 2000 chỉ có 200,000 ngươôi dùng Internet. Năm 2016 có thêm 48,863,762 người dùng Internet ở VN. Xin theo dõi thống kê mới nhất ở http://www.internetworld-stats.com/ststs3.html.
Copyright © 2018 chuvina - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy