WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
Mỗi năm, biến cố 9/11 vẫn ghi dấu một cơn ác mộng của người dân Mỹ. Ghi dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến mới. Cuộc chiến nan giải, dã man, và tàn ác hơn cả thế chiến thứ hai và chiến tranh Việt-Nam. Cuộc chiến giữa văn minh và chậm tiến, giữa yêu thương và hận thù, giữa đức tin và cuồng tín. Cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều chục năm mà chiến thắng sẽ không chỉ là sự tiêu diệt đối phương bằng bom đạn.
Mười ngày trước khi quân khủng bố tấn công Ngũ Giác Đài và hai tòa nhà cao nhất tại New York. Tôi nhận được Nguyệt San Dân-Chúa số 295. Theo thói quen, tôi lật vội trang 2, nơi có mục “Nội Dung Số Này”, để xem có gì mới lạ không. Bài “Đi Biển” của Tuyên–Úy Nguyễn đã lôi kéo sự chú ý đặc biệt của tôi hôm đó. Ai là Tuyên-Úy Nguyễn đây? Tắt chiếc máy truyển hình ồn ào, ngả lưng vào thành ghế ngoài hiên, tôi vội lật qua những trang báo mới để tìm đọc bài Đi Biển. Tôi gặp nỗi khắc khoải của Tuyên Úy Nguyễn, nỗi khắc khoải mang bình diện của một lời tiên tri. Tiên tri về thời thế và cuộc chiến tranh mới mà người dân Mỹ không mấy ai nghĩ tới. Vì không mấy ai nghĩ tới, nên sự việc 9/11 xẩy ra đã đem lại nhiều kinh hoàng và lo sợ.
Trong bài “Đi Biển”, có đoạn Tuyên Úy Nguyễn viết: “Chiếc Hàng Không Mẫu Hạm mang tên Kennedy là một thành phố nổi với trên 5,000 thủy thủ... Khuy nay đến phiên Nguyễn lên phòng lái đài chỉ huy để đọc lời nguyện và chúc bình an cho tất cả mọi người trên tầu trước khi đi ngủ... Anh đã lên sớm và ra ban công phía trước (weather deck) đễ có chút giờ tĩnh tâm.... Nhớ chuyện thần tiên xứ Ba-Tư, cái xứ có truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” ấy đang không xa trước mắt, nhưng với Nguyễn và hơn năm ngàn thủy thủ trên tầu, nó không còn thần tiên tí nào cả. Từ vùng đất “không thân thiện” đó luôn luôn vẫn có sự rình rập, vẫn đòi hỏi sự thận trọng và đề phòng tuyệt đối. Chỉ cần một sai lỗi nhỏ, chỉ cần hành động của một tên điên nào đó từ phía bên kia, là chiến tranh có thể xẩy ra, là máu lại đổ, là nhà lại tan... Anh thấy nền hòa bình tạm bợ cũng mong manh như thân phận con người. Nguyễn quyết định không dùng lời nguyện đã viết sẵn, anh sẽ cầu nguyện tự phát từ đáy lòng mà chủ đề không gì khác hơn là hòa bình”.
Trong bài “Đi Biển”, Tuyên Úy Nguyễn cho chúng ta biết rằng, nền hòa bình của thế giới mong manh như thân phận con người và ngòi lửa tiêu diệt hòa bình nằm ở ngay các xứ Á-Rập, chung quanh vùng Vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Sáng hôm sau tôi điện-thoại đến toà báo Dân-Chúa. Cha Việt Châu, chủ-nhiệm, vui vẻ cho biết: “Tuyên Úy Nguyễn là bút hiệu của LM Paul Nguyễn-Văn-Tùng. Cha Tùng là chủ-bút báo Dân-Chúa, là Chánh sứ giáo sứ Prince of Peace, và cũng là Tuyên Úy của Hải-Quân Hoa-Kỳ”. Sau đôi lời thăm hỏi và cám ơn Cha Việt Châu. Tôi đặt nhẹ điện thoại xuống bàn cho tâm tư lắng đọc. Tôi hình dung lại khuôn mật thân ái của Cha Tùng, người tôi đã hân hạnh được gặp từ năm 1980 tại Trung-Tâm Cursillo Opelousas (Opelousas Cursillo Center).
Thế rồi, chỉ vài ngày sau khi đọc lời tiên tri của Tuyên Úy Nguyễn thì biến động 9-11 xẩy ra. “Hành động của những tên điên từ phía bên kia” nên “chiến tranh đã xẩy ra”. “Máu đã đổ”, “nhà đã tan”... Và rồi máu đã và đang đổ ra trên nhiều sa mạc, trên đồi núi, trên sông biển, và cả trong những thành phố mỹ lệ nữa. Hôm đó, tôi vội lấy Dân Chúa số 295 ra xem lại. Nó vẫn còn thơm mùi mực đen thấm, nhưng những dòng tiên tri của Tuyên Úy Nguyễn đã trở thành những dòng lệ xót xa của người dân lành.
Thế kỷ mới, thế-giới mới, hận thù mới, chiến tranh mới. Hai tòa nhà cao nhất tại thủ-đô kinh tế của Mỹ đã xụp đổ trong khỏang khắc, mang theo sinh mạng của mấy ngàn người dân vô tội. Một phần năm Ngũ-Giác-Đài đã thành đống sắt vụn. Nhưng đó mới chỉ là những thiệt hại sơ khởi mà chúng ta thấy rõ. Nhiều thiệt hại giây chuyền và gê gớm khác sẽ đè nặng trên cuộc sống chúng ta và con cháu chúng ta. Có lẽ con đường mà phần đông chúng ta đang đi, chưa phải là con đường mà Đấng Tạo Hóa mong muốn.
Chắc hẳn, sau biến cố 9/11, chúng ta ai cũng có nhiều điều muốn nói. Tôi chỉ nêu ra trên đây một số những khía cạnh căn gốc để chúng ta suy tư. “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”. Nước Mỹ đã hữu sự, lệnh động viên các lực lựng trừ bị đã được ban hành. Nhiều người đã và sẽ phải lên đường làm tròn bổn phận người thanh niên, thanh nữ, trong thời loạn. Người được gọi lại hai lần, tại Tiểu Bang Louisiana, là một người Việt-Nam: Tuyên-Úy Nguyễn. Đơn vị mới của Tuyên-Úy Nguyễn là Ngũ Giác Đài (Pentagon), nơi mà Bộ Quốc-Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ làm việc. Nơi có sức mạnh dũng mãnh, có mức độ an-ninh cao nhất toàn cầu. Nhưng ngày 11/9, quân khủng bố đã tấn công Ngũ Giác-Đài bằng máy bay, làm thiệt hai hơn 200 người. Sau thời gian phục vụ tại Ngũ Giác Đài, Tuyên Úy Nguyễn lại đuợc gừi sang Iraq, làm tuyên úy cho các đơn vị Thủy-Quân Lục-Chiến (vì TQLC thuộc Bộ Hải-Quân Hoa-Kỳ).
Tuyên-Úy Nguyễn gia nhập Hải-Quân Hoa-Kỳ từ thập niên 80. Cấp bậc Hải-Quân Đại Tá. Tuyên Úy Nguyễn đã phục vụ ở nhiều đơn vị Hải Quân, như Hàng Không Mẫu Hạm USS Kennedy, Hawaii, Nhật Bản, Puerto Rico, và vùng vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Tuyên Úy Nguyễn cũng là Tuyên Úy của Hội Cựu Sinh-Viên Sĩ-Quan Liên Trường Võ Khoa (SVSQ/LTVK) Thủ Đức Louisiana, từ ngày khởi đầu thành lập. Và cũng là Tuyên Úy của Tổng Hội Cựu SVSQ/LTVK Thủ Đức. Đại-Hội Thế Giới Kỳ IV của Tổng Hội Cựu SVSQ/LTVK Thủ-Đức Hải Ngoại cũng đã được sinh hoạt tại Hội Trường Giáo-xứ Prince of Peace của Ngài.
Rất tiếc, tôi không có mặt trong bữa tiệc Hội Cựu SVSQ/LTVK Thủ-Đức Louisiana tiễn Tuyên Úy Nguyễn lên đường lền thứ hai, để chu toàn nghĩa vụ của người trai thời loạn. Vì thế, tôi không biết hành trang của Tuyên-Úy Nguyễn có những gì. Nhưng tôi tin chắc rằng, Tuyên-Úy Nguyễn mang lên Thủ-Đô Hoa Kỳ những thông điệp của Đấng Tối Cao. Những thông điệp của Tình Yêu, Hòa Bình và Công Lý. Những thông điệp nền tảng của một chủ-thuyết đáp ứng được ước vọng toàn cầu: “Tình Yêu của Đấng Tối Cao”.
Xin thân ái tặng Tuyên Úy Nguyễn và các chiến-sĩ Hải-quân, Việt Mỹ, bài thơ “Tình Yêu Trên Biển Cả” (1) dưới đây mà tôi đã viết trên bãi biển Jacksonville, Florida. Nơi tôi đến thăm viếng hai căn cứ Hải-Quân hùng vĩ của Quân Lực Hoa-Kỳ.
Khi làm xong bài thơ này, tôi cũng có gừi ngay về New Orleans tặng một người bạn qúi và cũng là Linh Hướng của gia-đình tôi, Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương. Ngay sau khi về đến nhà, tôi đã nhận được lá thư viết tay ngắn gọn của Đức Cha Lương. Ngài nói về sự cô đọng và nét đẹp của ý thơ. Ngài cũng nhắn nhủ tôi nên kiên nhẫn phục-vụ tha nhân, quê nước đồng bào, và nền hoà-bình chân chính của thế-giới. Xin thân ái chuyển lời nhắn nhủ của Đức Cha Mai Thanh Lương đến tất cả qúy vị, những người đang đọc bài viết chân thành này của tôi.
Chu Văn Hùng
-----------------
̣(1)
Tình Yêu của Chúa Trên Biển Cả
(God’s love is as wide as the ocean)
Người là mầu xanh
Người là ánh sáng
Tâm tư cuộn sóng
Yêu thương dạt dào
Ánh đại dương, bao la tình cứu độ
Sóng Tin Mừng, định hướng của an sinh
Biển xanh ta thấy Người nơi đó
Triết thuyết muôn đời, một chữ yêu
Chu Văn Hùng
Copyright © 2018 chuvina - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy