WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
Trên bước đường tìm hiểu những kho tàng chân lý, trong cái cốt lõi của các tôn giáo, tôi tìm đọc muời hai bài thuyết pháp của Thượng-Tọa Buddhadàsa Bhikkhu, một vị Đại Sư sinh tại làng Prumriang, quận Chaiya, tỉnh Surat Thani, Thái-Lan. Mười hai bài thuyết pháp của Thày đã được thuyết giảng trong mười hai ngày Thứ Bẩy, gồm 90 phần mục khác nhau.
Sự hệ thống hóa kỳ diệu của Thày Buddhadàsa đã giúp tôi (một người Công Giáo) hiểu được những chân lý sâu thẩm của Đạo Phật, đã giúp tôi học được nhiều giáo huấn hữu ích, phát xuất từ sự cảm nhiệm tâm linh sống thực, của một vị chân tu lão thành. Thày Buddhadàsa đã để lại cho nhân loại một kho tàng qúi giá trong tập “Cẩm Nang Của Nhân Loại” (Handbook for Mankind).
Với tâm niệm chân thành, tạo tình liên đới giữa các tôn giáo, tôi xin chia sẻ một vài đoạn, trong bài thuyết pháp thứ nhất, của Thày. Khi thấy ba dấu chấm (...) xin hiểu rằng: sau hay trước điểm đó, còn phần khác mà tôi không viết hết. Bây giờ, xin mời cùng nhau lắng nghe lời Thày Buddhadàsa.
“Trong số nhửng người khách đến thăm viếng Chùa này, đôi khi tôi nhận ra vài Kitô Hữu mang trên cổ một cây Thánh giá nhỏ. Tôi đã có lần nói với họ: Thánh giá mà các bạn mang với tư cách một Kitô hữu thì đối với tôi, một Phật-Tử, cũng có một ý nghĩa.
Các bạn hãy nhìn: có một nét dọc như chữ ‘I’ của mẫu tụ Anh văn, ‘I’ (phát âm là ai), có nghĩa là ‘tôi’; và cũng có một nét ngang, trên trên chữ ‘I’, để trở thành cây Thánh giá “†”. Nét ngang đó có nghĩa là gạch bỏ cái ‘tôi’, khứơc từ cái ‘tôi’. Đối với tôi, một Phật Tử, Thánh giá của bạn nói lên rằng: Anattà, ‘không có ngã tại-ngã-vị-ngã’, ‘không còn ngã’, ‘vô ngã’. Thánh giá chứa đựng tất cả giáo-lý Phật Giáo! Họ hơi ngạc nhiên, nhìn tôi và mỉm cười. Tôi nghĩ rằng họ không phản đối tôi, bởi vì họ mỉm cười. Chắc chắn rằng nhiều Phật tử không bao giờ nghĩ đến, thấy được, sứ điệp của Đức Phật trên cây Thánh giá của người Kitô hữu. Đối với phần đông chúng ta, Thánh giá biểu thị dấu hiệu của một tôn giáo khác, thế thôi; với hình tượng người chịu khổ nạn bị đóng đinh trên giá gỗ, chúng ta xem ra có vẻ kinh sợ.
Người Kitô hữu không cho đó là kinh sợ, bởi vì họ thấy ở đó một ý nghĩa Thánh: Đức Giê-su chấp nhận hy-sinh mạng sống của mình để cho mọi người nhận biết Thiên Chúa. Họ dùng Thánh giá như một cây thang đưa họ lên với Thiên Chúa. Để tiến đến cùng Thiên Chúa, họ phải bước theo Thánh giá của Đức Kitô. Đó là ý nghĩa của Thánh giá đối với họ.
Về phần chúng ta, để đạt đến việc ‘chứng ngộ’ tối hậu, Niết Bàn (Nirvana), chúng ta phải bước theo ý nghĩa của Thánh giá, bằng cách gạch bỏ cái ‘tôi’, bằng cách từ bỏ chính mình, điều đó có nghĩa là ‘vô ngã’, Anattà.
Chỉ qua con đường đi sâu vào cốt lõi của kinh nghiệm sống thực với tôn giáo của chính mình, ta mới có thể cảm nhận được điều mà tín đồ những tôn giáo khác sống trong chiều sâu của tôn giáo họ, và nguời ta mới có thể nhận ra nhau trong tình huynh đệ trên bình diện tâm linh. Hiểu biết và cố gắng sống có chiều sâu Con Đường của chính mình là một điều bắt buộc để có thể có được khái niệm vì sao người khác có thể sống theo con đường của chính ho và rồi có thể thực sự nhận rõ được điều này. Đó là điều tuyệt đối cần thiết để có thể xé thủng được bức màn bao phủ của những nghi thức, thói quen, lề luật và ngay cả những tín điều đa tạp bên ngoài đôi lúc cản trở việc đào sâu vào ý nghĩa cốt lõi. Chỉ ở tầng sâu của kinh nghiệm sống thực đó mà người ta mới cảm thấy gần gũi nhau…
Hiện trạng đa diện các tôn giáo gây cho chúng ta ấn tượng: nhìn bề ngoài, càng ngày càng có nhiều tín ngưỡng, lễ nghi, lề luật và tập tục khác nhau, đối chọi nhau; nhưng đồng thời bên trong là sự xích lại gần nhau ở chiều sâu của thái độ tâm linh đối với Tối Hậu, qua việc quy hợp nội tâm về với điều ‘kiến định’ là Tối Hậu. Thái độ quy hợp hay sẵn sàng hướng về Tối Hậu đó được ‘kiến định’ như là Đạo, là Cuộc Sống toàn vẹn, là Chứng Ngộ Giải Thoát, là Vô Ưu. ...
Kitô hữu có một Thượng Đế theo nghĩa đen; Phật tử chúng ta không có thần linh theo nghĩa đen, theo nghĩa văn tự; nhưng trong ý nghĩa tâm linh, chúng ta không phải không có điều tương tự như người Kitô hữu. Chúng ta có một điều chung của mọi tôn giáo, điều cốt lõi của mọi linh đạo tìm sự giải thoát tối hậu: đó chính là ý nghĩa của một kiến thức về Tối Hậu mà thiếu điều đó thì Giải Thoát tối hậu chẳng có ý nghĩa gì cả: ‘Chắc chắn rằng có một điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng; bởi vì nếu không có điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng thì việc giải thoát do cái thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng sẽ không thể quan niệm được’ (Kinh Tự Thuyết, câu 3,3)…
Tôi giám mạnh dạn nói rằng trong Pháp Tối Hậu của Nguyên Tánh, của Dharma, chúng ta cũng có Phra Chao của chúng ta, như là một Thượng Đế tối cao, cho dù ý tưởng có thể gây ngạc nhiên cho một số Phật tử….
...Đối với Phật tử và Kitô hữu, con đường để ‘đạt đạo’, để ‘đắc đạo’, để ‘chứng ngộ’ là từ bỏ ngã: ‘Các con hãy từ bỏ chính mình!’ (lời Đức Giê-su trong Thánh Kinh). Kitô hữu từ bỏ cái ‘tôi’ của mình cho Thiên Chúa. Phật tử chúng ta cố gắng làm thế nào để chứng ngộ trong mức độ khả năng của mình để cái ‘tôi’ vị ngã không còn nữa….
…...Những cuộc xung khắc có mầu sắc quốc gia, sắc tộc, chính kiến và tôn giáo thường cuộn chặt lại nhau, củng cố cho nhau, lợi dụng nhau và khai thác nhau. Mọi tâm hồn tôn giáo độ lượng thực sự và có tình huynh đệ tâm linh đối với các tôn giáo khác, chắn chắn sẽ là hạt giống của hòa bình, đánh động tâm hồn mọi người.…”
Để tạm kết, chúng ta cùng nhau suy niệm vài điều trong câu tụng thường ngày của người Phật tử: ‘Mọi chúng sanh, đồng hành trong khổ não; Sanh, lão, bệnh, tử; Vâng, mọi chúng sanh đều vô tội, và mọi chúng sanh cùng cảnh ngộ”. Tất cả chúng ta, những người Việt-Nam khác tôn giáo, khác chính kiến, dù sống ở đâu, cũng là chúng sanh cả. Và như thế, tại sao chúng ta không cầu nguyện với nhau. Tại sao chúng ta không cầu nguyện cho nhau. Và tại sao chúng ta không cùng nhau cầu nguyện cho phúc lợi của quê nước đồng bào, trong cũng như ngoài nước.
Chu Văn Hùng
Giáo-Sư Tiến-Sỹ
Không bao lâu sau ít ngày nhận chức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến viếng thăm một ngôi chùa Phật giáo ở Thủ đô Colombo. Ngài đến Chùa để tỏ lòng kính trọng đối với chư tôn lãnh đạo Phật giáo tại thủ đô nước Sri Lanka. Nơi đây, Ngài đã cùng Chư Tôn Hòa Thượng cử hành nghi thức Khai Bảo Tháp, di tích của hai vị đệ tử ưu tú của Phật Thích Ca.
Theo truyền thống, hàng năm, phật tử từ khắp mọi miền của đất nước, tụ họp về đây để chiêm bái và tỏ lòng cung kính đối với Thánh tích này. Họ xem việc Chiêm bái Thánh tích này là một Phúc Duyên Cát Tường, một đặt ân vô cùng quý báu. Đức Giáo Hoàng đã cởi bỏ giày ngoài cửa Chùa như các phật tử khác, Ngài đã khoác lên người chiếc khăn choàng cà-sa mầu vàng do Hoà Thượng trụ trì trao tặng, và Ngài cũng đã lắng nghe với sự tôn trọng tuyệt vời trong lúc hành lễ cũng như lúc thyết minh của chư Tăng.
Hòa thượng Banagala Upatissa, trụ trì chùa Agrashravaka và cũng là vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo quốc gia này, đã nói với Thông Tấn Xã AP rằng: “Việc Khai Bảo Tháp, di tích của hai vị đệ tử ưu tú của đức Phật Thích Ca, cho đức Giáo Hoàng chiêm ngưỡng, là một vinh dự cao nhất và tôn quý chúng tôi đặt biệt dành cho Ngài”. Trước đây, vị Hòa Thượng này cũng đã viếng thăm Toà Thánh Vatican và luôn luôn cổ võ cho sự đoàn kết liên tôn.
Buổi chiều, Đức Giáo Hoàng đã tham dự buổi hop liên tôn, giữa các tôn giáo khác, nhau tại Colombo. Nơi đây Ngài đã nói: “Qua Công Đồng Vatican II (1965), Giáo Hội Công Giáo đã tuyên bố về sự tôn trọng sâu xa và đồng hành đối với các tôn giáo khác. Giáo Hội Công Giáo không loại trừ điều gì là chân thật, là thánh thiện trong tất cả các tôn giáo”. “Niềm hy vọng chung về sự hợp tác liên tôn, và đại kết, đã cho tất cả mọi người chúng ta thấy rằng, chúng ta không phải từ bỏ căn tính về chủng tộc hay tôn giáo, mới có thể sống hoà hợp với nhau”. “Tôi hy vọng rằng, chuyến viếng thăm của tôi sẽ giúp khích lệ các hình thức liên tôn và sự hợp tác đại kết của các tôn giáo đang được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây”.
Chu Văn Hùng
Giáo-Sư Tiến-Sỹ
Copyright © 2018 chuvina - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy