WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
Mấy hôm nay trời thật đẹp. Có lẽ trời đẹp vì có cô cháu bé ngày nào, Sơ Catarina Chu Tuyết Mai, từ San Francisco đến thăm. Tôi đưa cháu đi thăm làng Việt-Nam vùng New Orleans East, ngôi làng Việt-Nam đầu tiên và lớn nhất tại Hoa-Kỳ. Nơi đó có hai con đường mang tên người Việt đầu tiên tại sứ sở xa lạ này từ năm 1985. Dominic Mai Dr. là tên của Đức Cha Dominic Lương Thanh Mai. Van Chu Dr. (hay VanChu Dr.) là tên của người đã đơn phương độc mã đứng lên sáng lập ngôi làng này: Hùng Văn Chu.
Rời làng Việt-Nam, hai chú cháu đi một vòng thăm những nơi mà sau nhiều năm vẫn còn như mới bị tàn phá ngày hôm qua. Trận bão lụt Katrina là một cơn ác mộng khó quên của người dân hiền hòa nơi đây. Không biết đến bao giờ cuộc sống mới trở lại như trước. Đã hẹn trước, hai chú cháu đến thăm Cha Nguyễn Đức Huyên, Quản-Nhiệm Đền Thánh Đức Mẹ La-Vang. Cha ân cần kể cho Mai nghe về những ngày bão lụt kinh hoàng và gian truân. Nhất là những giây phút hãi hùng khi trực thăng đến cứu Cha ở nóc cuối nhà thờ. Mặc dù cuộc trùng tu tốt đẹp, và nhanh chóng, như là một trong nhiều phép lạ đã xẩy ra nơi Đền Thánh này, nhưng một số dấu vết còn đủ để mọi người nhận ra, nước đã ngập lên cả mái Nhà Thờ.
Một sự tình cờ, cháu Mai xin chụp hình chung với những người đang vất vả góp tay chuẩn bị cho Đại-Hội Đức Mẹ La-Vang Kỳ 18. Chụp hình xong, Chị Monica Vũ (Hội Trưởng Hội Những Người Mẹ Công Giáo) nói với cháu Mai rằng: “Thưa Sơ, trước đây thày Hùng là giáo-sư của tôi đó”. Gặp lại Monica bất ngờ, tôi không biết nói gì với người cựu nữ sinh-viên đã được sự cảm mến của hầu hết các giáo-sư và sinh viên trong trường. Khi giới thiệu, tôi nó với cháu Mai rầng rằng: “Chị Monica là một người phụ-nữ Việt-Nam gương mẩu. Gương mẫu trên nhiều lãnh vực. Chồng chị vượt tù ‘Cải Tạo’ vào rừng, rồi mất tích. Chị đem 5 con vượt biên một mình. Con cái đã thành tài cả... mà Chị vẫnn ở một mình". Tôi cũng muốn giới thiệu với Monia về cháu Mai, người nữ tu có nhiều hy-sinh, có tầm vóc hoạt động rộng lớn, và gặt hái nhiều thành qủa trong cộng-đồng Mỹ và Mễ tại quê hương mới này. Có lẽ cháu Mai biết ý, nên vội cám ơn Monica và kéo tôi vào thăm viếng phía bên trong Đền Thánh.
Trên đường về, cháu Mai muốn tôi nói thêm về Monica. Vì không biết phải nói sao cho hết ý. Tôi hứa sẽ viết cho đầy đủ hơn. Hai chú cháu tiếp tục đi thăm những dàn máy bơm nước vĩ đại mới, niềm hy vọng của New Orleans, vùng đất thấp hơn mặt biển 4 thước tây (12 feet) và hằng ngày được sống an vui... nhờ máy cái máy bơm.
Ngày đưa cháu Mai ra phi-trường, cũng là ngày một tai hoạ mới đang xẩy đến cho vùng đất nhiều bất hạnh này. Dàn khoan dầu của PB ngoài khơi bị phát nổ, 11 người bị tử nạn. Giếng dầu đang phun lên, hơn 8 triệu lít dầu thô mỗi ngày. Nếu không ngăn chặn kịp, thảm họa này sẽ tàn phá lâu dài và ghê gớm hơn cả trận bão lụt Katrina. Sau khi rời phi trường, tôi lái xe đến khu vực Coffee Du Monde, thả bộ thăm lại dòng sông Mississippi. Tôi lo ngại rằng, nếu dầu thô xoáy ngược dưới sâu, vào được cửa sông, thì sẽ chẳng bao giờ còn cái thơ mộng của dòng sông này nữa.
Ngôi giáo-đường cổ kính nằm giữa những con đường tấp nập du-khách qua lại. Từng đám bồ câu lang thang kiếm ăn trên sân trước nhà thờ, quấn quít với những đôi chân tình nhân nhẹ bước. Sự hoà nhịp cuả tiếng móng ngựa kéo xe lạch cạch trên đường phố và tiếng cười nói ồn ào của du khách.
Trong bối cảnh đó, tôi thấy mình lạc lõng bơ vơ... vội thả bộ ra bờ song, nơi có những tiếng kèn đồng điêu luyện của người Mỹ da đen đang vọng lên. Dòng sông Mississippi vĩ đại vẫn miệt mài uốn khúc chia đôi thành phố New Orleans. Nhìn giòng nước xanh đậm lặng lờ trôi, tôi thấy một nỗi buồn mênh mông.
Nhớ lại một buổi chiều trước đây, khi đang thả bộ giữa những người du khách xa lạ nơi đây, thì một tiếng nói bất ngờ trổi lên: "Chào thày". Quay lại, tôi gặp Chị Monica đang ngồi trên một hòn đá lớn, thả đôi chân trắng hiền hoà xuống dòng sông mát lạnh. Từ khi còn là sinh-viên, chị đã lấy tên hiệu là Monica. Monica cũng là tên Thánh mà mấy chục năm trước đây, khi rửa tội để kết hôn theo đạo Công Giáo, người yêu của chị đã chọn cho chị. Ở đại-học, đôi khi cái tên hiệu này cũng gây phiền hà cho chị. Nhiều sinh-viên Mỹ đã gọi tên chị với nụ cười dí dỏm, như muốn hỏi chị có liên hệ gì đến Monica Lewinsky, người tình của Tổng Thống Clinton không. Thường thì chị bỏ qua, nhưng cũng có lần tôi nghe chị nói: "I am Vietnamese Monica, please call me… with my last name - Tôi là Monica người Việt, xin gọi tôi với cả tên họ của tôi". Ý chị muốn nói, hãy gọi cả tên họ của tôi nữa để biết rằng tôi là người Việt và không thể có liên hệ đến dòng họ Lewinsky. Một hôm, Giáo-sư Tiến-Sỹ Jan Case hỏi chị Monica: "Chị nghĩ sao về Monica Lewinsky?" Chị trả lời vắn gọn: "She is a trash. Her boy friend is a same". Ý nói, cô ấy thật tồi tệ, không đáng nhắc tới. Người tình của cô ấy cũng vậy. Tiến-sĩ Jan Case hỏi thêm: “Chị có biết người tình của cô ấy là Tổng Thống không?” Monica đáp: “So what?” Ý chị ấy muốn nói: “Có khác gì đâu”.
Có Giáo-sư cho biết: "Anh văn là ngôn ngữ thứ hai của sinh-viên VN nhưng họ dùng chữ cấp cao hơn nhiều người Mỹ". Tôi đổi lời tâm sự đó thành câu hỏi và chuyển đến người bạn trong hội Cựu SVSQ Thử-Đức cũng đang học ở đây. Đó là anh chàng Hải Quân tên Thuận, người sinh viên có biệt hiệu là "già gân”. Anh Thuận cho biết, "Đó là bản tính của người Việt. Hơn nữa, các giáo-sư ở đây thường yêu cầu chúng tôi phải viết ba bài luận văn cho mỗi chủ đề, ở ba cấp khác nhau: Nghi Thức Hơn, Nghi Thức và Kém Nghi thức hơn. Chúng tôi phải cố gắng dùng hai cấp đầu”.
Anh Thuận có biệt hiệu là "già gân" nhưng thật ra anh không phải là sinh viên già nhất lúc bấy giờ, anh mới “năm mươi mấy” thôi. Sinh-viên về hưu, Bác Huồn, hơn anh tới 13 tuổi. Một sinh-viên khác, Bác Phú, là công chức Mỹ đã về hưu với bổng lộc cao, đã mừng lễ thượng thọ 65 tuổi trước khi tốt nghiệp. Sở dĩ anh Thuận được gọi là "già gân" vì khi có giáo sư nào giảng chưa rõ, hay anh chưa đồng ý, thì sau giờ học, anh “gân cổ thảo luận" cho đến khi chị Thuận điện thoại nhắc anh về. Nhất là những buổi học về Cựu-Ước (Old Testament), Tân Ước (New Tastement), Cuộc Đời Đức Kitô (Life of Christ), hay Thần Học (Theology). Một hôm, Giáo-sư Tiến-sỹ Craig Rinker mang xấp bài thi vào văn-phòng tôi và nói: "Nhiều người cho biết, ở VN, việc học Thánh-kinh và Thần học rất khiêm nhường. Mà sao sinh-viên Việt-Nam biết nhiều về Thánh Kinh và Thần học như những bài thi này?" Vui cái vui của Tiến-sỹ Rinker, tôi đáp: "Xin hãy hỏi nhân vật chính trong Thánh Kinh”. Quả thật, khi xem những bài thi về Thánh kinh và Thần học của sinh-viên Việt-Nam, tôi rất ngạc nhiên, vì đa số họ không phải là người Công-Giáo hay Tin-Lành.
Nhìn lại những năm qua, tôi hết sức thán phục sự hiếu học và lòng kiên nhẫn của các anh chị sinh viên Việt-Nam. Họ cũng có có ngày vui ngày buồn, ngày dài ngày ngắn. Nhưng họ không để một ngày nào trôi đi trong uổng phí. Đối với họ, mỗi ngày học vất vả là một phần của những kiến thức được cập nhật. Hình như mỗi người sinh viên Việt-Nam là một vũ-trụ. Họ có một mặt trời trong khối óc, một mặt trăng trong con tim và muôn ngàn vì sao chuyển động trong mạch máu. Mỗi bước đường họ đi, mỗi giờ học họ đến, mỗi kiến thức họ thu góp được, đã làm gia tăng gấp bội sự cảm phục của người Mỹ.
Trở lại với dĩ vãng của Monica. Năm 1975, trôi theo vận nước, gia-đình chị lâm cảnh bi thương. Chồng chị là một Sĩ Quan Quân Lực VNCH, tên VVK, đã quyết định ở lại tử thủ với đơn vị của mình. Khi đó K là Trưởng Phòng Ba Tiểu Khu Gia-Định. Ở ngay Thủ-Đô, anh có nhiều phương tiện để ra đi lập lại cuộc đời nơi sứ lạ quê người. Nhưng người sỹ-quan kiêu hùng đó không làm như vậy. Monica cũng không khuyến khích chồng đầu hàng, hay chạy trốn, và từ chối không ra đi một mình với các con.
Trôi theo vận nước, K bị bắt đi tù ở những nơi có cái tên mới là trại cải tạo. Monica tần tảo nuôi năm con, tuổi từ hai đến tám. Sau hai năm bôn bả, chị tìm được tin chồng và lặn lội đi thăm nuôi. Qua những lần thăm nuôi đó, chị khéo léo chỉ hướng để K vượt ngục. Năm 1977, K cùng một số chiến sĩ khác thoát tù, đến được chỗ hẹn ở biên giới Cam Bốt. Đó cũng là lần sau cùng Monica được gặp chồng. Ở lần gặp gỡ sau cùng đó, chị vẫn nhận thấy nơi K, một sĩ quan kiêu hùng của Quân Lực VNCH. Từ ngày đó, chị mất tin chồng, nhưng trong trái tim chị, K vẫn là người tình muôn thủa. Trong nhiều năm qua, chị đã tốn kém nhiều tiền của, thì giờ, về Việt-Nam tìm kiếm tin chồng. Dù là tin còn sống hay đã chết. Nhưng đã nhiều lần chị ra đi với niềm hy-vọng mong manh, rồi lại trở về với nỗi buồn hưu quạnh.
Cuối năm 1977, mẹ con chị bị đẩy vào vùng kinh tế mới. Không biết trồng cây cuốc đất. Chị phải bỏ trốn về làng nhỏ quê xưa. Đói, nghèo, lang thang và sự đen tối của tương lai các con đã khiến chị quyết định tìm đường vượt biên, theo như lời khuyên của chồng trước đây. Chị bị lừa dối nhiều lần, mất tất cả những gì đã giành dụm được từ khi làm giáo-sư ở Trường Trung-Học Công Lập Kontum, nơi mà tôi và anh K cùng trấn thủ vài năm với Sư-đoàn 22. Chị phải vay mượn và trải qua nhiều khó khăn lắm mới lo liệu được chuyến đi sau cùng.
Đầu năm 1980, làm theo ý của người tổ chức vượt biên, chị chia khúc ruột làm hai. Ba cháu nhỏ đi với mẹ và hai cháu lớn ở lại đi với Dì. Giữa một đêm khuya, bốn mẹ con được bỏ vào một cái thùng xe bít kín. Loại xe chở thực phẩm, có mùi hôi gê sợ. Trưa hôm sau, xe đổ mẹ con chị xuống một quán café nhỏ, bên lề đường vắng. Có một số người cũng đang đợi ở đó. Một chiếc xe khác đến chở mọi người vào một thôn xóm hẻo lánh có nhiều người Trung-Hoa, rồi đi bộ vào khu rừng sâu dọc theo một con sông nhỏ. Không ai biết mình ở đâu và truyện gì sẽ đến. Giữa những ngày dài nơi sình lầy, muỗi, rắn, lo âu và mệt mỏi... thì một con thuyền nhỏ bé xuất hiện.
Con thuyền không đủ chỗ ngồi cho 65 người. Một gia đình không giám bước lên thuyền, đành ở lại. Con thuyền lướt đi nặng nề trong đêm mưa tầm tã. Khoảng sáu tiếng đồng hồ sau thì một con thuyền lớn hơn xuất hiện. Tất cả 59 người được chuyển sang con thuyền lớn đó và vượt sóng ra khơi. Lên được thuyền lớn, chị ôm các con khóc nức nở. Chị biết, phải để dành nước mắt cho những gian truân trước mặt, nhưng chị phải khóc cho thỏa niềm vui và nỗi buồn trào dâng. Vui vì chị đã nhìn thấy phần nào tương lai của các con, buồn vì chị đang thật sự xa quê Cha đất Tổ, người chồng mất tích, và hai đứa con còn lại.
Sau bốn tháng ở trại tạm cư Thái Lan, chị đến định cư ở Denver, Tiểu-bang Colorado. Một năm sau, hai cháu lớn cũng đến được với chị. Chị vừa tần tảo nuôi năm con và vừa đi học. Năm 1983, chị tốt nghiệp bằng Cao Đẳng Điện Tử tại Đại Học Denver. Tiếp đó chị theo học ngành Kỹ-Sư Điện (Electrical Engineering). Chỉ còn hai mùa học nữa là tốt nghiệp, nhưng không chịu nổi với cái “tuyết lạnh đêm dài” và không muốn bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh được nhiều người tự nguyện giúp đỡ. Chị đem con về New Orleans với gia-đình người em ruột. Với sự giúp đỡ của nhiều người trong gia đình và đồng hương xa lạ, Chị mua được một cửa hàng tạp hóa. Bây giờ, tất cả năm con của chị đều đã có đủ kinh nghiệm để trông coi tiệm “grocery” và đã tốt nghiệp đại học Loyola, một hệ-thống đại học Công-giáo danh tiếng. Loyola là nơi đã đạt được cái sứ-mệnh cốt tủy của nền giáo dục, đào tạo những con người thành nhân, chứ không phải chỉ thành tài hay thành công. Vị Hồng-Y duy nhất của Việt-Nam bây giờ, cũng đã tốt nghiệp tại đaị-học Loyola tại Hoa-Kỳ. Phần lớn con của chị tiếp tục học thêm sau khi đã đi làm và đã lấy được các bằng Cao Học (Master). Cậu út đã lấy được bằng Tiến-Sỹ Y-Khoa (Medical Doctor) và đang hành nghề Bác-sĩ.
Sau khi các con đã tốt nghiệp đại học, để cập nhật kiến thức, chị ghi tên đi học lại. Nhờ đã học ở Đại-học Denver và mang theo nhiều tín-chỉ, chị tốt nghiệp Cử-Nhân Quản-Trị và Giao-Tiếp (Management and Communication) một cách nhẹ nhàng. Nhớ lại những ngày gặp chị trong trường, tôi thấy một niềm vui diệu vợi khi được viết ít điều về chị. Cái diệu vợi của người hoạ-sĩ tô thêm chút mầu sắc tươi đẹp, vào bức tranh tuyệt vời của một đời người.
Gặp lại đôi mắt của Monica, tôi nhớ lại một buổi học của GS Tiến-sĩ Thomas Becker, mà tôi có trách nhiệm tham dự để kiểm tra. Hôm đó, tôi đã không cằm được sự xúc động khi thấy những dòng lệ chẩy dài từ đôi mắt buồn mênh mang của chị. Đó là buổi học thực tập thuyết trình của môn học Nói Trước Công Chúng (Public Speaking). Một sinh-viên khác, Sơ Thu Thủy, trình bầy về bài thơ “One Art” (The art of loosing – nghệ thuật của sự mất mát). Bài thơ của nữ thi sĩ Elizabeth Bishop. Theo Sơ Thủy, Elizabeth cũng là người đã mất giòng sông và quê hương mà không phải vì thiên tai. Bài thơ chỉ có 19 dòng, nhưng đã diễn tả được cái day diết của sự mất mát. Theo từng giòng thơ, Sơ Thủy đem cái buồn từng bước, đi vào tâm hồn người nghe. Khi kết bài thuyết trình, Sơ Thủy đưa cho mỗi người một bài thơ đó, nhìn một vòng cả lớp, rồi ngừng lại ở chị Monica, nói với giọng trầm buồn: “Khi một bài thơ đã nói lên được điều gì đó, thì nó sẽ tạo được một cách để sống mãi trong lòng người đọc. Đặc biệt là những người Việt-Nam chúng tôi, đã mất người than yêu, bạn bè, giòng sông, quê hương… và mất nhiều hơn thế nữa. Xin hãy mang bài thơ này về nhà, thắp lên một ngọn đèn nhỏ và đọc nó vào giữa đêm khuya - Whenever a poem establishes what it is about, it creates a way for it to live inside the readers. We, the Vietnamese students, lost our lovers, our friends, our rivers, our country and… much more. I would like to ask you to take this poem home, turn on the small lamp, and read it in the middle of the night".
Sau giờ học, Monica ra đứng ngoài sân trường, đợi con đến đón. Tôi đến thăm hỏi để an ủi chị. “Thưa chị, tôi hết sức cảm phục một người như chị. Đã mấy chục năm chờ đợi tin một người và tần tảo nuôi con thành tài, thành nhân. Lúc nãy tôi thấy chị khóc trong lớp. Chị có oán trách ai không? Chị nghĩ gì về Việt-Nam bây giờ?" Câu trả lời của chị thanh thoát, trong cái vương vấn xót xa, của một tâm hồn đã vươn được lên cao. "Thưa Thày, tôi chẳng oán trách ai nữa. Chúng ta bị cuốn vào cái thế cờ của các cường quốc và những chủ thuyết ngoại lai. Tài liệu mật của Mỹ và Nga trong thời kỳ chiến tranh đã được tiết lộ nhiều rồi. Chắc Thày cũng đã đọc. Về câu hỏi thứ hai, tôi không biết nói thế nào cho vừa ý tất cả mọi người. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho sự an bình, hạnh phúc, và thịnh vượng của quê nước đồng bào, trong cũng như ngoài nước... Cháu đã đến đón tôi kia rồi, xin chào Thày tôi về".
Bóng đêm mờ ảo phủ trên sân trường trống vắng, chỉ còn lại một chiếc xe cũ kĩ đang chờ đợi tôi. Như để chạy trốn màn đêm, cậu con trai của Monica lái xe thoát nhanh vào đại lộ Causeway. Không hiểu vì sao, lúc đó, tôi chụm chân đứng nghiêm chỉnh giơ tay chào, như khi còn ở quân đội. Tôi nói thật lớn như muốn xé vỡ màn đêm: "Good night Monica!".
Tiếng của tôi được dội lại bởi những tòa nhà cao vót giữa màn đêm thanh vắng. Tạo nên một âm vang chập chờn kỳ diệu.
Chu Văn Hùng
Copyright © 2018 chuvina - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy