WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
WELCOME! --- CHU is my last name. VINA stands for Vietnamese in North America
Tôi là Chu Văn Hùng. Ngày sinh ra, chẳng có của cải hay bằng cấp gì. Ngày ra nghĩa trang, cũng sẽ không mang theo được gì hơn thế.
Ngày đầu và ngày cuối của đời tôi chỉ là vậy. Cái khoảng giữa hai ngày đó, thì trách nhiệm vẫn gánh nặng trên vai, nhưng mỗi buổi sáng thức giấc, vẫn chưa thấy ánh bình minh, của tự-do và dân-chủ, chiếu toả thực sự trên quê hương.
Khi ở VN, là lính, không giữ đuợc nhà đuợc đất cho dân; là người dân cử, không giữ được nước. Tháng Tư năm 1975, thì ngày 27 đã bỏ chạy ra khơi, để lại hơn 17 triệu đồng bào sống trong sợ hãi kinh hoàng, và để lại muôn ngàn chiến hữu của mình phải sống kiếp đoạ đầy trong các trại tù cải tạo.
Lúc vượt biên, trên con thuyền lênh đênh nơi biển cả. Tôi hứa sau 15 năm con sẽ đưa Cha Mẹ về. Bây giờ, Cha Mẹ tôi đã an nghỉ ngàn thu trong lòng đất Mỹ. Mỗi khi đến thăm mộ Hai Cụ thì không giám nói năng gì nhiều, chỉ đọc vội những lời kinh thuộc lòng mà ai đã viết sẵn.
Đời lính của tôi cũng khác thường. Chưa nhận được giấy giải ngũ, nên sẽ là lính cho đến khi xuống huyệt xâu đất lạnh. Xuất thân Khoá 12 Liên-Trường Võ-Khoa Thủ-Đức. Sau khi ra trường, về Vũng Tầu học thêm và làm việc. Rồi được thuyên chuyển lên Sư-Đoàn 22. Khi hăng say phục vụ tại Tân Cảnh, Kontum, tôi ký đơn xin sang hiện dịch, để hiến cả đời mình cho Quân Đội.
Nhưng ít năm sau, nhận thấy cuộc chiến không thể giải quyết bằng quân sự được (vì cả đôi bên qúa lệ thuộc vào ngoại bang). Để tìm một con đường khác, may ra, gỡ được cái thế bí cho quê hương. Tôi xin về lại Vũng Tàu để năm 1970 ra ứng cử, và đắc cử tốt đẹp ở đó.
Là sỹ-quan hiện dịch, đắc cử nhưng tôi không được giải ngũ, không được tự do đi theo hướng đi mới của mình. Thế sự thay đổi bất ngờ. Qua những buổi gặp gỡ tâm tình riêng tại Bạch Dinh Vũng Tầu (nơi nghỉ cuối tuần của các vị Tổng Thống), Tổng Thống NVT ra lệnh thay thế giấy “Nghỉ Giả Hạn Không Lương” của tôi bằng giấy “Biệt Phái”, để mỗi ngày tôi vẫn là lính. Kèm theo đó, Tổng Thống giao cho trách nhiệm đặc biệt: Tìm mọi cách kín đáo, theo dõi các vị dân cử ở (bên) Mỹ. Sau một năm thiết lập đường giây riêng, qua những người Mỹ làm việc ở Sàigon, cuối tuần thường xuyên đến nghỉ mát ở Vũng Tầu (kể cả những người đã về Mỹ). Nhờ thế, tôi biết được quan điểm chính trị (về cuộc chiến VN) của hầu hết Dân Biểu và Nghị Sĩ (bên) Mỹ. Tôi nhận được thường xuyên những bài báo tường thuật các buổi họp của Quốc Hội Hoa Kỳ (liên quan đến VN) và đôi khi nhận được cả một phần của biên bản Quốc Hội Hoa Kỳ. Từ đầu năm 1972, qua Tướng Cố-Vấn ĐVQ, tôi thường xuyên báo cáo lên Tổng Thống cái xu hướng không thuận lợi từ phía Quốc Hội Hoa Kỳ (Quốc Hội là cơ quan Lập Pháp, “một nửa mạnh” của quyền lược Hoa Kỳ).
Tháng 6/1974, dù được dân tín nhiệm, nhưng không được “tái cử”. Phải khẩn cấp trở về quân đội, thành lập Văn Phòng Liên Lạc Đặc Biệt, trực thuộc Phủ TT (qua Tướng Cố Vấn ĐVQ), và tiếp tục mạnh mẽ hơn cái nhiệm vụ đã được Tổng Thống giao phó ở Vũng Tầu.
Tháng 10/1974, tôi báo cáo lên TT về kết qủa cuộc bầu cử mới của Quốc Hội Hoa Kỳ và lập trường, về chiến tranh VN, của từng Dân Biểu, Nghị Sĩ. Như nhiều người đã biết, chỉ 3 tháng sau ngày TT Nixon từ chức, đảng Dân Chủ nắm được đa số trong Quốc Hội. Họ đã công khai tuyên bố sẽ “phản bội trắng trợn” mọi cam kết mà Chính Phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đã cam kết trước đây với VNCH”.
Tháng 12/1974, vì nhận thấy Tổng Thống vẫn còn tin tưởng vào những lời hứa "chỉ có một nữa giá trị", cuả Tổng Thống Mỹ trước đây (người chỉ đứng đầu cơ-quan Hành Pháp, một “nửa yếu về viện trợ” của quyền lực Hoa Kỳ). Tôi xin Tướng Cố Vấn cho tôi được đi chiến đấu với các chiến hữu của tôi, hay cho tôi được gặp cả Ban Cố Vấn của Tổng Thống, để trình bầy những bằng chứng rõ rệt về cái thảm hoạ sắp đến. Tướng Cố Vấn tự kéo ghế ngồi xuống, với một nét buồn khác lạ… ông nhẹ nhàng nói: “Cậu còn trẻ, cấp bậc còn thấp. . . đối với cái công việc qúa lớn lao này. Tổng Thống lại có nhiều cố vấn dân sự. Họ không suy nghĩ và phản ứng như người lính chúng ta. Hơn nữa, trong hoàn cảnh "cá nằm trên thớt", đôi khi mình cũng phải giả vờ là không biết, cái điều mà mình đã biết. "Còn nước còn tát", cậu cố gắng tiếp tục công việc này và chỉ thị cho nhân viên tuyệt đối giữ tối mật mọi điều đã báo cáo... Có tin vui cho cậu. Đây là nghị định và danh sách thăng cấp thường niên đầu năm (1975). Cậu được thâng cấp Thiếu Tá thực thụ kể từ ngày 1/1/75. Tôi và vài người nữa từ văn phòng Tổng Thống sẽ đến đây gắn lon cho cậu, trước Noel”.
Báo cáo sau cùng của tôi đến Tổng Thống là đoạn phim quay buổi họp ngày 19/4/1975 của Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngày đó, Tổng Thống Ford, Đảng Cộng Hòa, hạ mình đến thẳng Quốc Hội xin viện trợ 722 triệu “cứu Miển Nam Việt Nam”. Khi TT Ford bắt đầu nói thì nhiều vị dân-cử của đảng Dân Chủ đã đứng lên, bỏ ra ngoài, một cách bất lịch sự và tàn ác dã man. Bất lịch sự với vị TT của họ và tàn ác, dã man, đối với nhân dân Miền Nam Việt-Nam. Kết qủa của buổi họp đó là sự biểu quyết độc ác của đảng Dân Chủ Mỹ: "Dù một đồng cũng không viện trợ cho VN nữa".
Ngày 27/4/1975, ngậm đắng nuốt cay, xuống thuyền bỏ nước ra đi. Từ Vũng Tầu đến Thái Lan, ở trại biệt cư Sattahip (Vì lúc đó Thái Lan chưa có ngân khoàn và chính sạch để chấp nhận người Việt tị nạn). Sau đó, được đón vào Căn Cứ Không Quân U-Tapao của Hoa Kỳ rồi bay qua Mỹ, tị nạn chính trị.
Ngay từ khi đến Mỹ, tôi đã cố gắng tạo một thế đứng riêng và góp phần gây dựng uy tín chung cho cộng đồng VN, hầu có thể vận động hữu hiệu cho các chương trình mang lại phúc lợi cho quê nước đồng bào. Tôi vẫn giữ được đường giây liên lạc cũ và mỗi ngày mỗi phát triển thêm, cho đến nay. Mỗi ngày của tôi có hai phần. Là công dân Mỹ, tôi làm việc với hết trái tim và khả năng, để xây dựng và bảo vệ quê hương mới này (như lời tuyên thệ chân thành khi nhập tịch). Là người VN, tôi phải làm tất cả những gì mà quê hương và đồng bào mong đợi.
Trong bối cảnh mới, vũ khí chiến đấu của tôi là sự lắng nghe chân thành, sự thảo luận tương kính và mạnh mẽ, sự chấp nhận những khác biệt của người khác, và hân hoan đón nhận những thay đổi từng bước, dù nhỏ bé, của cả đôi bên:
Trong bối cảnh mới, chiến lược của tôi, đi theo chiến lược dài hạn của Hoa Kỳ từ thời TT Bush bô: Transforming Vietnam, one step at a time, one environment, one child (Biến đổi Việt-Nam, từng bước một, từng môi trường (từng lãnh vực), từng em bé (giáo dục và thụ nhân/trồng người).
Điều đã giúp tôi kiên trì đấu tranh, là lời nói của Mẹ Teresa: "Chúng ta sinh ra không phải chỉ để thành công. Chúng ta sinh ra còn để trung thành".
Để thay lời kết, tôi xin có đôi lời vắn gọn: Làm cách mạng không thể phô trương như làm chính trị. Vì thế, xin đừng hỏi tôi đã và đang làm gì cho Quê Hương. Mai đây, khi tôi nằm xuống, mà Quê Hương vẫn chưa có tự-do dân-chủ thực sự, hay Quê Hương vẫn chưa ngả hẳn về phía Hoa Kỳ, hầu họ có thể vừa bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, vừa từ bỏ được chủ nghĩa và bản hiến pháp đã lỗi thời. Thì xin đồng bào và các chiến hữu hãy tha thứ cho tôi. Hãy nghĩ rằng, tôi chưa sinh ra, tôi không có ngày đầu và ngày cuối.
Chu Văn Hùng
Copyright © 2018 chuvina - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy